Bộ cẩm nang này là một giải pháp quan trọng, nhằm triển khai Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025" được Chính phủ ban hành tại Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021.
Phiên bản mới không chỉ cập nhật những rủi ro trên môi trường mạng đối với trẻ em mà còn cung cấp các công cụ, giải pháp thiết thực, giúp trẻ tự bảo vệ bản thân và hỗ trợ phụ huynh đồng hành cùng con an toàn trên Internet. Đây là công cụ quan trọng nhằm giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực từ môi trường mạng đối với trẻ em.
Bộ cẩm nang gồm 5 phần:
Phần I: Cẩm nang chung: Cung cấp các thông tin cơ bản về Internet, lợi ích, rủi ro trên môi trường mạng với trẻ em, một số khái niệm về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; hướng dẫn cách thức phản ánh khi phát hiện nội dung độc hại, nội dung không phù hợp đối với trẻ em
Phần II: Cẩm nang cho trẻ dưới 6 tuổi: Cung cấp các nguyên tắc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng dưới 6 tuổi. Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn Ươm mầm. Đây là lứa tuổi trẻ em mới bắt đầu tiếp cận với Internet dưới sự hướng dẫn hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô. Phần nội dung này chủ yếu để hướng dẫn cho cha mẹ, thầy cô nhận biết các rủi ro có thể gặp phải và một số cách để hướng dẫn ban đầu cho trẻ em tham gia môi trường mạng
Phần III: Cẩm nang cho trẻ từ 6 tới 11 tuổi: Cung cấp các nguyên tắc bảo vệ trẻ em từ 6 đến 11 tuổi. Giai đoạn này còn gọi là "Giai đoạn phát triển". Đây là lứa tuổi trẻ em đã bắt đầu học tập và tìm hiểu tương tác trên môi trường mạng trong một giới hạn nhất định, bắt đầu hình thành các kỹ năng số. Phần nội dung này gồm các hướng dẫn dành cho trẻ em hình thành các kỹ năng ban đầu và hướng dẫn, lời khuyên dành cho phụ huynh để hỗ trợ con một cách hiệu quả
Phần IV: Cẩm nang cho trẻ từ 11 tới 16 tuổi: Cung cấp các nguyên tắc bảo vệ trẻ em từ 11 đến 16 tuổi. Giai đoạn này còn gọi là "Giai đoạn tiền trưởng thành ". Đây là lứa tuổi trẻ em đã bắt đầu sử dụng Internet một cách độc lập. Phần nội dung chính vì thế sẽ bao gồm các hướng dẫn cụ thể cho trẻ em trong hình thành các kỹ năng cụ thể sử dụng Internet an toàn, lành mạnh và có trách nhiệm
Phần V: Một số công cụ, phần mềm hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Giới thiệu, cập nhật các công cụ cập nhật kiến thức bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và các công cụ hỗ trợ phụ huynh kiểm soát truy cập sử dụng internet trong nước và quốc tế.
Cục An toàn thông tin tin tưởng rằng cuốn cẩm nang này sẽ trở thành tài liệu thiết yếu, giúp phụ huynh, giáo viên và người chăm sóc trẻ nắm bắt kiến thức mới, kỹ năng cơ bản để hỗ trợ trẻ em tham gia môi trường mạng một cách tự tin và an toàn, từ đó giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực mà Internet có thể gây ra.
Không gian mạng, Internet đã và đang trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống, đặc biệt đối với trẻ em là những đối tượng đang sử dụng công nghệ vào trong học tập và sinh hoạt hàng ngày. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tới hết năm 2023, dân số Việt Nam đạt khoảng 100,3 triệu người, trẻ em chiếm gần 1/4 dân số, trong đó 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Cũng theo số liệu Trung tâm quốc gia về trẻ theo em mất tích và bị bóc lột (NCMEC), năm 2023 có khoảng 533.236 báo cáo về hình ảnh/video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng liên quan tới Việt Nam - đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Indonesia và Philippine. Con số này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cấp thiết phải bảo vệ trẻ em khỏi các rủi ro trên không gian mạng.
Xem phiên bản đầy đủ của bài viết tại đây
Các bài viết khác