Sáng tinh mơ, bản Huổi Lóng, xã Mùn Chung - nơi diễn ra chợ phiên cụm 4 xã đã rất đông người dân đến họp chợ. Chợ phiên cụm xã có quy mô hơn 100 gian hàng, được bố trí trên sân bóng bằng phẳng, rộng rãi, có bãi để xe riêng. Từ khắp các nẻo đường, thôn bản, bà con gùi nông sản xuống chợ bán. Mặt hàng bày bán ở đây chủ yếu là nông sản như: Gạo, bí, chuối, măng, mật ong, các loại dược liệu, cá, gia súc, gia cầm. Ngoài ra còn có những gian hàng bán đồ gia dụng, giầy dép, chăn ga gối đệm. Nhiều hàng thủ công đan lát, nông cụ sản xuất do người dân chế tác; gian hàng bán trang phục truyền thống của các dân tộc: Thái, Mông và các phụ kiện đi kèm như mũ, xà cạp, vòng tay bắt mắt cũng góp mặt làm nên sự phong phú của chợ phiên. Những sản phẩm ấy là kết tinh của sự lao động cần cù của bà con các dân tộc trên địa bàn. Hàng hóa đơn giản và cách bày bán cũng mộc mạc, không cầu kỳ với những tấm bạt trải ra đất hay là những chiếc sạp nhỏ được làm bằng tre, nứa. Chỉ trong buổi sáng, nhiều nông sản, thực phẩm tươi, sạch do chính tay người dân các xã nuôi trồng, chế biến đã bán hết cho người dân và du khách đến tham quan.
Là tiểu thương, anh Lò Văn Tươi, bản Nà Tòng, xã Nà Tòng đang cân gạo, măng tươi bán cho khách. Mỗi lần giao hàng cho khách anh đều ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ tay. Hỏi chuyện, anh Tươi cho biết sở dĩ phải ghi chép như vậy để về có cơ sở báo lại cho người nhờ anh bán giúp vì họ không có điều kiện mang nông sản đến chợ phiên. Gạo nếp nương do bà con gieo trồng là mặt hàng bán chạy nhất, mới “mở hàng” anh đã bán được hàng chục kilôgam gạo. Anh Tươi vui vẻ cho biết: “Chợ phiên cụm xã khai trương, bà con xã Nà Tòng phấn khởi lắm, chuẩn bị nhiều sản phẩm nông sản để bán. Vừa qua, do đợt dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, chợ phiên phải tạm dừng hoạt động. Song đến nay chợ đã duy trì hoạt động ổn định, giải quyết được đầu ra cho nông sản của bà con nên ai nấy đều phấn khởi, an tâm sản xuất”.
Ðô thị hóa, các cửa hàng tiện lợi đang dần thay thế cho chợ truyền thống thì chợ phiên vẫn tồn tại, tấp nập kẻ bán người mua và dung dị như thế. Chợ phiên không chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, vui chơi, sinh hoạt văn hóa của bà con các dân tộc trên địa bàn huyện và cũng là nơi nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm và chọn mua nông sản.
Chị Nguyễn Thị Hằng, người dân TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Trên đường đi công tác, được biết có chợ phiên cụm xã ở Mùn Chung nên tôi ghé qua. Các mặt hàng bày bán ở chợ phiên có giá phải chăng, vừa với khả năng mua sắm của nhiều người. Mua các sản phẩm do chính tay người dân vùng cao nuôi trồng, sản xuất tôi thấy rất an tâm. Không gian chợ phiên ở đây được mở rộng, phong phú về hàng hóa và mang nhiều nét văn hóa các dân tộc. Bà con ai nấy đều cởi mở, dễ mến!
Theo kế hoạch, ban đầu chợ phiên cụm 4 xã sẽ duy trì 1 lần/tuần vào ngày chủ nhật để người dân trao đổi, buôn bán hàng hóa, góp phần tạo điểm nhấn trong hành trình du khách khám phá vùng cao. Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu, mong muốn của người dân để không trùng với các chợ phiên diễn ra vào thứ 6 hàng tuần tại xã Rạng Ðông (huyện Tuần Giáo), phiên chợ chủ nhật hàng tuần tại thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa), huyện Tủa Chùa đã đổi sang họp thứ 7 hàng tuần.
Từ những chương trình, chính sách được triển khai hiệu quả đã mang lại nhiều thay đổi tích cực, nhân dân ổn định sản xuất, đời sống kinh tế từng bước cải thiện rõ rệt. Cùng với phát triển sản xuất, hoạt động thương mại trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư và đã có những chuyển biến. Việc thành lập chợ phiên cụm 4 xã với mục đích giao thương, kích cầu, xúc tiến thương mại để tăng cường sản xuất hàng hoá của người dân. Từ đó, hình thành sản xuất theo hướng hàng hóa để tăng việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững. Tiếp nối thành công đó, tháng 1 vừa qua, tại xã Rạng Ðông cũng đã chính thức khai trương phiên chợ cụm 3 xã: Ta Ma - Phình Sáng - Rạng Ðông họp vào thứ 6 hàng tuần.
Việc hình thành chợ phiên cụm xã ở Tuần Giáo đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng trong phát triển thương mại của người dân vùng cao; giải quyết đầu ra cho nông sản, thực phẩm. Chợ phiên cụm xã hoạt động hiệu quả sẽ kích thích các mô hình kinh tế phát triển theo hướng hàng hóa, trên cơ sở tận dụng được nguồn tài nguyên đất đai dồi dào và lực lượng lao động nông nhàn tại địa phương.
Ý kiến bạn đọc