Có mặt tại bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) đúng vào ngày mưa, nhiệt độ xuống thấp dưới 10oC nên ngoài đồng ruộng không thấy trâu, bò chăn thả vì người dân đã nhốt gia súc tại chuồng để tránh rét. Gia đình ông Lò Văn Chính, bản Mển có 2 con bò, nhưng một tuần nay, ông tất bật với việc gia cố lại chuồng trại, chuẩn bị thức ăn xanh, đốt lửa sưởi ấm để chống rét cho bò. Trò chuyện với chúng tôi, ông Chính cho biết: “Trước đây, vì chủ quan nên tôi cũng không quan tâm lắm đến việc phòng tránh rét cho bò. Từ kinh nghiệm những lần trước và được địa phương tuyên truyền, mùa đông năm nay, gia đình tôi đã chuẩn bị đầy đủ bạt dứa để che chắn chuồng trại và hạn chế chăn thả trong những ngày thời tiết rét đậm, rét hại. Chuyển sang nuôi nhốt cần nhiều thức ăn cho vật nuôi nên gia đình đã dự trữ cỏ voi, thân cây ngô và rơm rạ để làm thức ăn cho đàn bò trong những ngày này...”.
Khu vực các xã: Thanh Nưa, Thanh Chăn, Thanh Yên… nằm trong lòng chảo nên mùa đông thường xảy ra hiện tượng sương muối vào ban đêm và sáng sớm. Vì vậy, công tác tuyên truyền phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm luôn được địa phương quan tâm. Bản Mển hiện có gần 30 con trâu và hơn 60 con bò; dù số lượng không nhiều nhưng khi thời tiết chuyển rét đậm, rét hại, chính quyền xã, bản đã thông báo kịp thời qua hệ thống loa truyền thanh để bà con chuẩn bị phòng tránh rét cho đàn gia súc. Anh Lò Văn Khánh, Trưởng bản Mển cho biết: Từ tuần trước, tôi đã thông báo cho dân bản về tình hình thời tiết trong những ngày sắp tới sẽ xảy ra rét đậm, rét hại. Để đảm bảo an toàn cho đàn trâu, bò, người dân cần chủ động dự trữ nguồn thức ăn, phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Tận dụng thân cây ngô, sắn, các cây họ đậu, ngọn mía, cỏ trồng làm thức ăn cho trâu, bò. Khi nền nhiệt độ xuống thấp thì căng bạt, đốt sưởi để trâu, bò không bị rét…
Ở xã vùng cao như Hừa Ngài (huyện Mường Chà), nhiệt độ xuống thấp hơn. Được cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, người dân trong xã đã có ý thức xây dựng chuồng trại và lùa đàn trâu, bò về nuôi nhốt chăm sóc, sưởi ấm tại nhà. Gia đình ông Mùa A Lồng, bản Há Là Chủ, xã Hừa Ngài (huyện Mường Chà) nuôi 10 con trâu, mỗi năm thu nhập hơn 60 triệu đồng từ việc bán trâu. Đây được coi là tài sản lớn của gia đình nên ông Lồng rất quan tâm, chăm sóc đàn trâu. Ông Lồng chia sẻ: “Ở Hừa Ngài, mùa này lạnh lắm. Trước kia trời lạnh nhưng trâu, bò vẫn thả trên nương, giờ thì tôi đưa về nhà chăm sóc rồi. Rét quá thì đốt lửa sưởi ấm cho trâu, ngoài ra tôi còn tăng cường cho trâu ăn thêm muối trộn trong thức ăn, uống nước ấm để chúng có sức đề kháng tốt, không bị chết rét”.
Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có trên 213.000 con gia súc, chủ yếu là trâu, bò. Để người dân chủ động phòng chống đói rét cho gia súc mùa đông, vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử các đoàn công tác đến các huyện vùng cao, như: Nậm Pồ, Tủa Chùa… kiểm tra công tác phòng chống đói rét trên đàn vật nuôi. Đồng thời yêu cầu các huyện, thị, thành phố tập trung phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi chăm sóc nuôi dưỡng gia súc, gia cầm trong những ngày giá rét. Vận động các hộ chăn nuôi có chuồng nhưng chưa đảm bảo yêu cầu phòng, chống rét và các hộ chưa có chuồng khẩn trương sửa chữa, làm mới chuồng trại, đảm bảo che chắn, giữ ấm cho gia súc trong mùa đông, nhằm hạn chế thiệt hại khi rét đậm, rét hại xảy ra…
Nhờ được cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, hầu hết các hộ dân đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để phòng chống đói rét cho vật nuôi. Tuy nhiên, vẫn không ít gia đình khá chủ quan trong việc phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi, như: Che chắn chuồng trại sơ sài, không vệ sinh chuồng trại, tiếp tục chăn thả gia súc… Sáng ngày 10/1, khu vực chân đèo Pha Đin thuộc xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) đã có 01 con nghé bị chết cóng do nhiệt độ khu vực này xuống thấp.
Theo cảnh báo của Đài Khí tượng và thủy văn tỉnh Điện Biên, trong những ngày tới, nhiệt độ có thể tiếp tục xuống thấp, gây ra rét đậm, rét hại. Vì vậy, người dân không được chủ quan, mà cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn; theo dõi, bám sát đàn vật nuôi, dự trữ nguồn thức ăn, che chắn chuồng trại, đưa gia súc về nuôi nhốt không để vật nuôi chết vì đói rét.
Ý kiến bạn đọc