Tại hội thảo, Các đại biểu đã được nghe Báo cáo đề dẫn của Lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Báo cáo tư vấn chính sách: Giải pháp tăng cường tiếp cận dịch vụ công trực tuyến tại tỉnh Điện Biên, Bình Phước và Ninh Thuận. Phát biểu của lãnh đạo UNDP, Sứ quán Ai-len và các báo cáo tham luận của 3 tỉnh Điện Biên, Bình Phước và Ninh Thuận. Trong đó, Báo cáo tư vấn triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến ở tỉnh Điện Biên, Hướng tới không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số ở các tỉnh có đông dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh Điện Biên thực hiện Chuyên đề về dịch vụ hành chính công liên quan đến: Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi.
Hội thảo đã kiến nghị với UBND Tỉnh và các Sở, ngành liên quan một số nội dung sau: Tỉnh cần xác định rõ lộ trình, mục tiêu, bước đi cụ thể trong chuyển đổi số, cung cấp DVCTT, phù hợp với điều kiện của Tỉnh. Trong tổ chức thực hiện cần nghiên cứu đặc điểm của đồng bào DTTS (văn hóa, trình độ học vấn…) cách thức triển khai linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, cung cấp DVCTT. Lồng ghép các chính sách, tận dụng tối đa các nguồn lực từ các chính sách, chương trình khác nhau đặc biệt là ba chương trình mục tiêu quốc gia tăng thêm nguồn lực cho phát triển DVCTT tại các xã thuộc địa bàn khó khăn trong tỉnh.
Kiến nghị với Trung ương: Đối với Quốc hội: Nghiên cứu, sửa đổi các điều khoản liên quan trong Luật Hộ tịch và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến với quy định Người yêu cầu phải có mặt trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch khi làm và khi nhận kết quả thủ tục theo hướng thu hẹp phạm vi các thủ tục hộ tịch yêu cầu có mặt trực tiếp và tăng cường sử dụng mã số định danh cá nhân (VNeID) để tránh phiền hà, đi lại nhiều lần cho người dân và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy DVCTT đối với thủ tục này.
Đối với Chính phủ: Chính phủ làm đầu mối rà soát lại các chính sách, qui định từ các Bộ, ngành đảm bảo thống nhất, đồng bộ, đơn giản, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo chính sách, loại bỏ các qui định cũ không còn phù hợp, khiến việc chồng việc cho cán bộ cấp cơ sở. Chính phủ cần yêu cầu các ngành có liên quan tới từng nhóm thủ tục hành chính công, DVCTT khẩn trương xây dựng phần mềm đồng bộ, liên thông dùng chung hoặc nền tảng dùng chung; lấy mã số ĐDCN làm gốc hồ sơ người dùng; lấy chữ ký điện tử gắn với mã ĐDCN của công chức ở vai trò chịu trách nhiệm chính làm cơ sở xác tín phê duyệt hồ sơ (chứng thực điện tử), hạn chế tối đa sử dụng bản giấy và bản điện tử nhưng cùng một thông tin hoặc có quá nhiều thông tin trùng lặp.
Đối với Bộ Tư pháp và Bộ Công an: Sớm hoàn thiện cơ chế chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giữa Bộ Công An với các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tư pháp với Cơ sở dữ liệu Hộ tịch điện tử. Bộ Tư pháp cần có văn bản hướng dẫn chuyên ngành chi tiết, cụ thể hơn về Sổ Hộ tịch cho chính quyền địa phương, phù hợp với bối cảnh CĐS vừa giảm áp lực công việc cho đội ngũ CBCC cấp cơ sở./.
T/h: Ngọc Bích