Những thành công bước đầu
Từ trung tâm huyện Tuần Giáo xuôi theo quốc lộ 6, chúng tôi về bản Chăn (xã Quài Nưa). Ở đây, ngoài phát triển cây trồng truyền thống (lúa, ngô...) thì nhiều hộ dân đã chuyển đổi đất đồi hoang hóa, bạc màu sang trồng cây mắc ca với hi vọng có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống (toàn bản hiện có trên 5ha trồng mắc ca). Dẫn chúng tôi mục sở thị khu vườn trồng mắc ca, ông Lù Văn Hiêng, bản Chăn phấn khởi nói: “Tận dụng diện tích đất đồi hoang hóa, bạc màu, năm 2013 gia đình tôi quyết định trồng thử nghiệm gần 1ha cây mắc ca. Ðặc biệt, được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, kiểm tra, theo dõi sát sao, cây sau khi trồng phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên sinh trưởng và phát triển tốt. Từ năm 2018, cây mắc ca đã bắt đầu ra hoa và cho lứa quả đầu tiên, đến năm 2020 trên diện tích gần 1ha, gia đình tôi thu hoạch hơn 4 tạ quả, xuất bán với giá 50 nghìn đồng/kg (quả tươi), mang lại thu nhập hơn 20 triệu đồng”. Ông Lù Văn Hiêng cho biết thêm: Khi mới trồng thử nghiệm tôi rất băn khoăn về sự phù hợp của loại cây này. Tuy nhiên sau hơn 5 năm chăm sóc, cây bắt đầu ra quả, sản lượng vụ sau cao hơn vụ trước thì đó là tín hiệu đáng mừng, mở ra hi vọng về cây có khả năng xóa đói giảm nghèo cho gia đình nói riêng, người dân trong bản nói chung.
Ðể phát triển kinh tế, từ năm 2017 các hộ dân bản Phung (xã Quài Cang) đã tự nguyện góp đất, chuyển đổi hơn 100ha đất dốc bạc màu, đã bỏ hoang, sang trồng mắc ca. Anh Lò Duy Thiểm, Trưởng bản Phung cho biết: Sau hơn 4 năm trồng, đến nay cây sinh trưởng và phát triển ổn định. Bước sang năm thứ 5, trên 70% diện tích trồng mắc ca đã trổ hoa và bói quả lứa đầu tiên; dự kiến trong tháng 8 - 9 sẽ cho thu hoạch. Từ năm thứ 6 sẽ cho thu hoạch đại trà. Hi vọng rằng, loại cây mới này sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế cao. Ðặc biệt, ngoài góp đất trồng mắc ca, hiện trong bản có 8 lao động được Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên nhận vào làm công nhân với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng; từ đó góp phần ổn định cuộc sống, cải thiện thu nhập cho người dân trong bản.
Bà Lò Thị Thủy, Trưởng phòng Hành chính (Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên) cho biết: Có thể khẳng định, dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Ðồng thời, phía Công ty đã và đang thực hiện hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi của các hộ góp đất đúng với cam kết. Trong đó, ngoài số tiền hỗ trợ 1 triệu đồng/ha/năm trong 5 năm đầu tiên thì theo hợp đồng đến năm thứ 6 cây mắc ca chưa cho đủ sản phẩm thu hoạch Công ty sẽ hỗ trợ người dân tối thiểu gần 5,9 triệu đồng/ha. Công ty cam kết sau khi thu hoạch người dân được hưởng 15%/giá trị 1kg (quả tươi) trên diện tích đất góp. Hiện nay khi cây mắc ca sinh trưởng và phát triển ổn định, có sản lượng quả năm đầu tốt đã góp phần tạo thêm niềm tin cho người dân góp đất về nguồn thu nhập từ cây này.
Mở rộng quy mô phát triển
Ðến thời điểm này, tổng diện tích trồng cây mắc ca theo dự án trên địa bàn huyện Tuần Giáo đạt 1.400ha. Trong đó, xã Quài Nưa: 600ha (trồng 168.000 cây); xã Quài Cang: 800ha (trồng 224.000 cây). Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Qua quá trình theo dõi, đánh giá cho thấy cây mắc ca trồng tại Tuần Giáo khá phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai; tốc độ và khả năng sinh trưởng tốt; tỷ lệ cây sống đạt trên 98%. Hiện 47ha mắc ca trồng thí điểm từ năm 2015 tại xã Quài Nưa đến nay đã bắt đầu có quả với tỷ lệ đạt hơn 90% diện tích, sản lượng từ 3 - 4kg/cây, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân. Ngoài ra, từ khi triển khai, dự án đã tạo việc làm cho khoảng 500 lao động/năm để tham gia các hoạt động của dự án như: Trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác mắc ca. Với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng tương ứng từ 48 - 60 triệu đồng/năm.
Có thể thấy rằng, sau thời gian có mặt trên đất Tuần Giáo, cây mắc ca đã dần khẳng định được tính ưu việt so với các loại cây trồng khác. Theo Ðề án phát triển cây mắc ca đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, huyện Tuần Giáo được quy hoạch trồng 2.000ha cây mắc ca, mật độ trồng 280 cây/ha. Riêng năm 2021, huyện đã xây dựng kế hoạch trồng mới 350ha cây mắc ca tại xã Quài Nưa (250ha) và hiện tiến hành khảo sát, quy chủ, đo đạc tại các xã: Mường Thín, Nà Sáy, Mường Khong... Ðể triển khai có hiệu quả dự án đầu tư, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng và UBND các xã trong vùng quy hoạch phối hợp chặt chẽ với Công ty Macadamia Ðiện Biên đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu được lợi ích của việc góp đất trồng, chăm sóc và bảo vệ vườn cây mắc ca. Ðồng thời, huyện cũng chỉ đạo các xã tiến hành rà soát nguồn quỹ đất có khả năng trồng cây mắc ca để hình thành mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ gắn với chế biến mắc ca; xây dựng kế hoạch hàng năm tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ mắc ca... Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có định hướng đầu tư phát triển ổn định trên địa bàn, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến theo hướng tạo chuỗi liên kết ổn định.
Tin tưởng rằng, với những thành công bước đầu từ cây mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo sẽ là tiền đề vững chắc, mở ra cơ hội để người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số có thêm tư liệu sản xuất, mang lại nguồn thu nhập cao. Từ đó, góp phần cùng với Ðảng bộ, chính quyền huyện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến bạn đọc