Xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo có gần 750 hộ dân sinh sống ở 10 bản, đa phần là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây để sản xuất, sinh sống, nông dân Pú Nhung kết hợp làm ruộng với làm nương và chăn nuôi gia súc trên núi cao. Cần cù lao động và ham học hỏi, họ nhanh chóng biết cách trồng trọt xen canh, gối vụ, đa dạng hóa các loại cây trồng. Ngoài trồng lúa để đảm bảo lượng thực, họ còn trồng ngô, sắn, lạc, đậu tương để chăn nuôi gia súc và bán ra thị trường. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, những năm gần đây, nông dân Pú Nhung tiếp tục tìm tòi, học hỏi, đưa thêm một số cây trồng mới vào sản xuất để cải thiện thu nhập.
Gia đình bà Vàng Thị Máy có ruộng năm nào có đủ nước sản xuất thì được mùa lúa, nhưng vụ nào khô hạn nguồn nước cạn kiệt, lúa úa vàng, bỏ nhiều công sức nhưng không được thu hoạch. Cũng diện tích này, bà chuyển sang trồng mía. Giống mía bà Máy đưa về Pú Nhung là giống mía tím. Đây là loại cây công nghiệp khoẻ, dễ tính, không kén đất, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau và đặc biệt thích hợp với loại đất có độ dốc vừa phải, thoát nước tốt. Mía tím được trồng theo luống, trung bình 1 sào trồng khoảng 1.100 cây. Mía trồng trên đất mới cho hiệu quả kinh tế cao, không cần phải chăm sóc cầu kỳ. Hiện gia đình bà có khoảng 2 ha mía, trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng. Bà Máy nói: “Trồng cây mía này không khó, không cần nhiều nước, chỉ cần cho phân bón đầy đủ. Khi nào mía lên tốt thì ngắt các mắt mầm, tước bỏ bẹ lá già. Khi thu hoạch, chặt sát gốc, cây mía tiếp tục tái sinh vụ sau. Gia đình tôi vay vốn từ hội Nông dân trồng mía này, thu nhập bình quân mỗi năm 80 triệu đồng”.
Trước điều kiện khó khăn do nguồn nước khan hiếm, khí hậu khắc nghiệt, bà con nông dân Pú Nhung đã vươn lên bằng ý chí tự lực, tự cường. Ông Vừ Khua Xá, sinh ra lớn lên ở xã Pú Nhung. Ông nguyên là Bí thư đảng ủy xã Tênh Phông - huyện Tuần Giáo, là người đầu tiên mang giống cây thảo quả về cho người dân Tênh Phông phát triển. Nay về hưu, trở về Pú Nhung sinh sống, ông lại nhân giống cây sa nhân cho người dân Pú Nhung phát triển, cây sa nhân vốn mọc hoang nên không cần chăm sóc nhiều, lại giúp bà con nông dân miền núi tận dụng được những khoảng đất trống dưới tán rừng, tăng thu nhập. Năm 2017, vụ sa nhân đầu tiên, gia đình ông Vừ Khua Xá thu nhập 20 triệu đồng trừ chi phí. Năm nay, diện tích sa nhân dưới chân núi trước nhà ông đã được nhân rộng, hứa hẹn sẽ cho một mùa quả năng suất và giá trị. Không chỉ vậy, ông còn nhân giống cho bà con trong bản cùng trồng với mong muốn sẽ giúp cho bà con nông dân trong xã nâng cao đời sống thu nhập. Ông cho biết: “Sa nhân này vừa có cách đây 5 năm thôi, cây này làm ít được nhiều. Một cân 600 nghìn đồng, một yến 6 triệu đồng và 1 tạ 60 triệu đồng, làm cái này phải giàu hết chứ, Nhà nước không phải cho nó nữa mà nó tự làm nó ăn”
Ông Mùa A Kỷ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Pú Nhung cho biết: Trước đây, bà con nông dân xã Pú Nhung chủ yếu trồng cây đậu tương, cây ngô và cây lúa nương. Nhờ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ năm 2010 đến nay Hội Nông dân xã Pú Nhung đã vận động bà con nông dân tìm các loại cây có giá trị cao như cây mía, cây dứa và một số cây như cây sa nhân. Đến bây giờ tình hình đời sống nhân dân cũng khá hơn trước. Hội cũng phối kết hợp với Ngân hàng Chính sách cho nông dân vay vốn, hỗ trợ nông dân mua các loại cây giống để mà sản xuất. Nhờ đó, năm 2016, hộ nghèo ở Pú Nhung vẫn còn gần 50% thì nay giảm xuống còn 38%. Nhiều hộ gia đình vươn lên trong sản xuất, cho thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm.
Cần cù lao động, tích cực, năng động chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nông dân Pú Nhung đã khắc phục được khó khăn về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, vươn lên thay đổi cuộc sống. Họ cũng khẳng định được ý chí tự lực, tự cường của những người con sống trên vùng quê hương cách mạng. Quê hương Pú Nhung đang vươn lên từng ngày từ bàn tay cần cù của người nông dân, từ những vườn cây trái bốn mùa tươi tốt./.
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc