Cuộc họp được kết nối tới điểm cầu của 18 xã với sự tham gia của các đồng chí Bí thư Đảng uỷ - UBND các xã; Đại diện Lãnh đạo các Đoàn thể, cán bộ, công chức được phân công phụ trách triển khai các Dự án Mắc ca tại các xã; Hiệu trưởng các đơn vị trường học trên địa bàn xã; Bí thư, Trưởng các bản, Trưởng Ban công tác mặt trận các bản; Tổ trưởng các Tổ hợp tác trồng Mắc ca tại các xã.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã được thông báo về tình hình sinh trưởng của cây Mắc ca trồng năm 2023 và đăng ký trồng Mắc ca năm 2024 trên địa bàn huyện Tuần Giáo.
Theo đó, diện tích cây mắc ca trồng mới năm 2023 của huyện Tuần Giáo theo dự án với diện tích là 948 ha, tại 18 xã. Hiện nay cây mắc ca đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản (phát triển thân cành) cây phát triển bình thường. Đối với các diện tích được tưới nước thường xuyên tỷ lệ chồi mới mọc nhiều, cành lá phát triển; các diện tích ít được chăm sóc tưới nước cây mọc chồi thấp, chỉ duy trì phát triển của các chồi trước đó đã mọc, một số diện tích cấp trồng dặm sau chưa mọc chồi mới. Một số diện tích không được chăm sóc, tưới nước, cây có hiện tượng héo, khô cành lá, nguy cơ chết do thiếu nước tưới.
Về tình hình tưới nước cho cây mắc ca trên địa bàn các xã chỉ đạt khoảng 60% và tập trung chủ yếu ở các nương gần đường, gần nhà, ao, gần nguồn nước và các ở các xã chủ động được nguồn nước. Ở các xã Pú Nhung, Ta Ma, Rạng Đông,…. Do thiếu nước cục bộ và một số diện tích vùng cao, nương xa nguồn nước, đi lại khó khăn số lượng cây được tưới nước hàng tuần rất thấp.
Về tình hình rào bảo vệ vườn cây mắc ca: Đa số các hộ đã chủ động rào bảo vệ cho vườn cây mắc ca đạt khoảng 75% diện tích. Tuy nhiên một số diện tích rào vườn chưa đảm bảo. Một số xã đã có hương ước, quy định không được chăn thả gia súc tự do như Pú Nhung, Tỏa Tình. Về tình hình làm cỏ, xới đất, tủ gốc: Các diện tích trồng Mắc ca đã được người dân tiến hành chăm sóc, làm cỏ, che phủ tủ gốc bằng trấu, rơm, cỏ khô, bạt,( đạt 65%)….. về tình hình chống cây, bấm ngọn, gia cố chống cây, đạt 98% diện tích. Tỷ lệ quét vôi bảo vệ thân cây đạt 65,4%.
Về tình hình phòng trừ sinh vật gây hại: Xuất hiện rải rác đối tượng rệp, sâu ăn lá, sâu róm, châu chấu, mối,dế, côn trùng ăn thân cây, … gây hại trên những chồi non, lá non với mức độ gây hại nhẹ tại tất cả các xã. Một bộ phận người dân ở các xã Quài Nưa, Quài Cang, Quài Tở, Chiềng Sinh,… đã chủ động phòng trừ SVGH.
Với quyết tâm năm 2024, huyện sẽ trồng mới trên 2.000 ha
Mắc ca với gần 5.300 hộ gia đình tham gia, nâng tổng số hộ gia đình tham gia trồng Mắc ca toàn huyện lên gần 8.000 hộ, chiếm gần 50% dân số làm nông nghiệp trên địa bàn huyện. Với tinh thần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ huyện đề ra, huyện Tuần Giáo đã và đang phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc trong nhiệm vụ phát triển cây Mắc ca, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị năm 2024.
Trong năm 2024, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của toàn thể nhân dân, đến thời điểm hiện tại toàn bộ diện tích đăng ký trồng Mắc ca năm 2024 đã hoàn thành công tác đào hố. Để triển khai kế hoạch trồng Mắc ca năm 2024 đảm bảo đúng kỹ thuật, tiến độ, kịp thời. Tổng diện tích đăng ký trồng Mắc ca năm 2024 của các xã là đến nay là 2.183,5 ha (trong đó 2.096,5 ha trồng thuần, 87 ha trồng xen), với 5.497 hộ dân tham gia.
Từ ngày 30/3 đến 02/4/2024 đã triển khai cấp phát vôi bột tới các xã và xã đã triển khai xuống các tổ hợp tác, người dân nhận vôi bột, tiến hành rắc vôi theo kỹ thuật. Hầu hết các xã đã triển khai tuyên truyền video hướng dẫn kỹ thuật về trồng cây mắc ca tới các tổ hợp tác, các hộ dân trồng cây mắc ca.
Bên cạnh đó, để việc triển khai trồng và chăm sóc cây mắc ca trong thời gian tới đạt được hiệu quả, huyện đề nghị sự vào cuộc tham gia đồng hành của Ngành giáo dục. Cùng với các cấp, các ngành, các lực lượng trên địa bàn huyện, trong thời gian qua ngành giáo dục đã thành lập các tổ tuyên truyền, vận động người dân đăng ký trồng, chăm sóc Mắc ca: Năm 2023, Ngành giáo dục trực tiếp tổ chức ra quân trồng được trên 700 cây Mắc ca tại khuôn viên các trường học; góp trên 9.000 ngày công hỗ trợ các hộ gia đình chăm sóc 30.000 cây Mắc ca và đào 4.500 hố trồng cây Mắc ca… Điều đó khẳng định ý chí của trên 1.800 cán bộ giáo viên, người lao động ngành giáo dục, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm giáo dục, chăm sóc, nâng cao chất lượng dạy và học, thì đội ngũ Nhà giáo đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ chính trị quan trọng của huyện, trong đó có nhiệm vụ phát triển cây Mắc ca; coi phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo của nhân dân là điều kiện để chăm lo, phát triển giáo dục bền vững.
Phát huy tinh thần đội ngũ nhà giáo đồng hành vào cuộc cùng cả
hệ thống chính trị, từng xã phân công mỗi thầy, cô phụ trách khoảng 03-05 hộ gia đình tham gia trồng Mắc ca. Các cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục tham gia Tổ công tác có trách nhiệm tìm hiểu, xem các video hướng dẫn kỹ thuật, nắm được nội dung để hướng dẫn, giải thích, kiểm tra, đôn đốc hộ gia đình mình phụ trách theo từng khâu, từng thời điểm cụ thể như: Khâu đào hố; Khâu trộn phân, lấp hố; Khâu trồng cây; Khâu chăm sóc. Đảm bảo thời gian tổ chức thực hiện không ảnh hưởng hoạt động giáo dục.
Hội nghị có 08 ý kiến thảo luận, tập trung vào các vấn đề giải pháp khắc phục việc trồng và chăm sóc cây mắc ca.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Lê Xuân Cảnh – PBT, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Việc triển khai phát triển trồng cây mắc ca là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của hệ thống chính trị của huyện. Đồng chí đề nghị các cấp, ngành các xã, thị trấn cần quan tâm triển khai thực hiện, có các giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về video hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân, đặc biệt là các hộ chưa có điện thoại thông minh, khu vực bản trắng sóng, đảm bảo 100% hộ dân tham gia trồng mắc ca được xem video hướng dẫn về kỹ thuật.