Dự và chủ trì tại điểm cầu Tuần Giáo có đồng chí Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện và các đồng chí trong Ban chỉ đạo triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của huyện.
Đề án 06 cụ thể hóa công cuộc chuyển đổi số quốc gia; là việc khó, chưa có tiền lệ; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi người dân nên cần sự tập trung, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới các địa phương.
Đề án 06 xác định 5 nhóm tiện ích lớn, trong đó có có 13 nhóm nhiệm vụ chung, 89 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành Trung ương; 13 nhóm nhiệm vụ chung và 8 nhiệm vụ cụ thể của các địa phương. Trong 6 tháng qua (từ 18/01/2022 đến 31/7/2022), các bộ, ngành đã hoàn thành 21/89 nhiệm vụ; các địa phương hoàn thành 04/13 nhiệm vụ chung và 1/8 nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, đã đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã mang lại nhiều tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp. Riêng Bộ Công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công mức độ 3, 4; đồng thời mở rộng thực hiện 187/227 nhóm dịch vụ công khác.
Tính đến ngày 31/7/2022, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức đối với một số cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành và 14 địa phương. Triển khai kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động để xác thực dữ liệu người dùng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng sim rác. Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an đi vào hoạt động chính thức, là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia. Đến ngày 31/7/2022, hệ thống đã thu nhận hơn 6 triệu hồ sơ và cấp 7.837 tài khoản định danh điện tử cho công dân. Đến nay đã cấp trên 67 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắp chíp điện tử cho công dân.
Để Đề án 06 triển khai hiệu quả hơn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị thời gian tới các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát nội dung, kế hoạch hoàn thiện các văn bản pháp luật phục vụ triển khai đề án 06 theo đúng tiến độ. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh các ứng dụng phát triển công dân số trọng tâm trong quý III/2022 nghiên cứu, tích hợp chữ ký số thông qua CCCD; tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; tập trung cải cách hành chính, mọi cải cách đều hướng về người dân, lấy dân là mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển.
Tại huyện Tuần Giáo, việc triển khai Đề án 06 đã được UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập tổ công tác cấp xã, cấp bản triển khai thực hiện đề án 06 tại địa phương. Đến nay toàn huyện đã có 19/19 xã, thị trấn; 177/177 khối, bản thành lập Tổ công tác triển khai, thực hiện Đề án 06.
Là lực lượng nòng cốt trong thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, Công an huyện Tuần Giáo đã tập trung nhiều giải pháp, huy động lực lượng triển khai thực hiện Đề án. Với sự nỗ lực, quyết tâm, việc thực hiện Đề án 06 của Công an huyện Tuần Giáo đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến nay đã tiếp nhận và trả 61.536 thẻ CCCD, đạt 95,70% so với tổng số hồ sơ; cập nhật bổ sung 11.857 thông tin chứng minh thư nhân dân 9 số vào hệ thống; nhận và trả lời 11.021 yêu cầu trao đổi phục vụ làm sạch dữ liệu. Trong công tác cấp căn cước công dân đã tiếp nhận và trả trên 61.536 thẻ CCCD, đạt 95,70% so với tổng số hồ sơ đúng quy định. Kết quả triển khai thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến theo danh mục 25 dịch vụ công thiết yếu, đến nay đã triển khai trong lực lượng CAND 7 dịch vụ, đã tiếp nhận, giải quyết 878 hồ sơ cư trú trên cổng dịch vụ công./.
T/h: Lường Phượng