Tuần Giáo là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp. Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Ðặc biệt, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả bền vững; ưu tiên nguồn lực thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất, gắn với chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; tích cực thâm canh, mở rộng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Giai đoạn 2015 - 2020 trên cơ sở Quyết định 45 của UBND tỉnh, Nghị định số 35 của Chính phủ, huyện Tuần Giáo đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn, triển khai Dự án Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xoài Ðài Loan và nhãn chín muộn tại 2 xã: Rạng Ðông và Mường Mùn với tổng diện tích 32,61ha; triển khai 2 mô hình sản xuất lúa áp dụng giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất (giống lúa ADI 168, DT 66) diện tích 45ha; 6 mô hình sản xuất lúa vụ mùa áp dụng giống mới: ADI 168, nam hương 4, HDT10, diện tích 142,46ha… Cùng với đó, duy trì 1.320ha cây cao su (diện tích cho khai thác trên 560ha, sản lượng mủ quy khô 450 tấn), thanh toán cho các hộ dân góp đất đạt trên 600 triệu đồng; chăm sóc 342ha cây cà phê; trồng mới và chăm sóc 1.600ha cây mắc ca. Ngoài ra, các chương trình giảm nghèo bền vững (135, 30a) đã triển khai thực hiện 36 dự án, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn. Ðến hết năm 2020 các dự án đã hỗ trợ 753 con bò sinh sản; 153 máy nông nghiệp... góp phần tăng đàn gia súc 4%/năm. Nhờ đó, nâng sản lượng lương thực đến hết năm 2020 đạt 37.000 tấn, tăng 2.013,6 tấn so với năm 2015; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 787,2 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 4,25%/năm.
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, bước vào giai đoạn 2020 - 2025, với tiềm năng về đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu, Ðảng bộ huyện Tuần Giáo tiếp tục triển khai và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM”; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế nông - lâm nghiệp đạt 23,39%, tổng sản lượng lương thực đạt 37.500 tấn, tốc độ tăng đàn gia súc 4%/năm, trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh mới đạt 4.500ha, tỷ lệ che phủ rừng 43%. Ðặc biệt, huyện Tuần Giáo chú trọng phát triển cây công nghiệp: Cây mắc ca (2.000ha); cao su (1.320ha) và cây ăn quả (1.000ha).
Ðể Nghị quyết đi vào cuộc sống, nhất là tạo được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, Ðảng bộ huyện Tuần Giáo đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện phát triển từng vùng. Ông Lò Văn Cương, Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo khẳng định: “Việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp sẽ là tiền đề vững chắc để Tuần Giáo tạo ra những bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhất là góp phần nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế vùng, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao”.
Trên cơ sở mục tiêu Nghị quyết, huyện Tuần Giáo đã và đang tập trung rà soát, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, phù hợp với địa phương để hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Linh hoạt các nguồn vốn thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông - lâm nghiệp; hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất...
Giai đoạn 2020 - 2025, huyện Tuần Giáo chú trọng lồng ghép các nguồn vốn như: nông thôn mới, 30a, 135/CP... chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nhiều dự án liên kết chuỗi sản xuất cây ăn quả. Hiện nay huyện có 374,46ha cây ăn quả theo dự án, gồm: 45ha nhãn, 100ha xoài, 60ha bưởi... Các dự án đều được triển khai theo mô hình khép kín, liên kết “3 nhà”. Ưu tiên thu hút, mời gọi các nhà đầu tư trồng cây công nghiệp và phát triển theo hướng mở rộng quy mô diện tích ở những vùng có điều kiện, nhằm phát triển các vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế cao. Trung tuần tháng 2 vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Tuần Giáo đã thống nhất cao với chủ trương triển khai “Dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng, chế biến cây mắc ca”. Dự án có tổng mức đầu tư trên 2.914 tỷ đồng; dự kiến được triển khai thực hiện với quy mô 12.121ha theo hướng thâm canh, áp dụng quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, có năng suất, chất lượng tốt và phát triển vùng trồng dược liệu dưới tán rừng, quy mô 1.452ha. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho 2.800 lao động, góp phần tăng thu nhập nhân dân. Ðây được xem là tín hiệu khả quan, đánh dấu bước ngoặt trong phát triển nền nông nghiệp nói chung, cây công nghiệp nói riêng trên địa bàn huyện Tuần Giáo.
Bên cạnh việc tập trung phát triển cây trồng truyền thống (lúa, ngô...), đưa giống mới vào canh tác; phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gia trại... Với độ cao từ 1.200m - 1.800m so với mực nước biển, là điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, huyện Tuần Giáo đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chủ trì, phối hợp với UBND các xã tiến hành khảo sát điều kiện tự nhiên và nguyện vọng của người dân để phát triển vùng trồng dược liệu. Toàn huyện hiện có 83,5ha cây thảo quả; 180,3ha cây sa nhân tập trung ở các xã: Tênh Phông, Tỏa Tình, Ta Ma, Phình Sáng... Ðặc biệt, để liên kết, phát triển dược liệu bền vững, Tuần Giáo thực hiện tốt mô hình liên kết “bốn nhà”: Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Mối liên kết đó sẽ giúp hình thành và phát triển với bốn mục tiêu chiến lược: Nguyên liệu xanh, công nghệ xanh, sản phẩm xanh, dịch vụ xanh.
Tin tưởng rằng, với những cách làm hay, sáng tạo, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tuần Giáo sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng nông lâm nghiệp; đặc biệt Nghị quyết “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM” sẽ “bén rễ” nhanh vào cuộc sống, tạo ra những dấu ấn đậm nét trong tiến trình xóa đói giảm nghèo bền vững; góp phần nâng cao đời sống nhân dân, hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM theo đúng lộ trình.
Ý kiến bạn đọc